Đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân thường là dấu hiệu đau thần kinh tọa. Ngồi nhiều, làm nặng hoặc đi lại nhiều, cảm giác đau sẽ tăng lên.
Người bị đau thần kinh tọa đôi khi ho hoặc cười lớn cũng đau. Dây thần kinh tọa (hay thần kinh ngồi) là dây thần kinh to nhất của cơ thể, do các rễ thần kinh của vùng thắt lưng hợp lại mà thành. Nó chạy dọc theo mặt sau mông, đùi xuống chân.
Đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra, đôi khi kèm theo tê, yếu chân hoặc teo cơ. Bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác như hẹp ống sống, viêm khớp cột sống, viêm đĩa đệm, viêm thần kinh tọa, u thần kinh tọa…
Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa hai đốt sống kế cận. Nó có hình cái đĩa, bên ngoài là một bao xơ dày và chắc, trong ruột là chất nhầy, gần giống như tròng trắng trứng, gọi là nhân nhầy. Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. Nếu khối thoát vị đè vào rễ thần kinh sẽ gây ra các hiện tượng đau, tê, yếu liệt…
Nếu khối thoát vị xảy ra ở vùng thắt lưng sẽ chèn ép các rễ tạo thành thần kinh tọa, gây ra đau thần kinh tọa. Thoát vị nằm ở vùng cổ có thể gây ra đau cổ, vai hoặc đau, tê, yếu liệt tay chân. Nếu thoát vị ở vùng ngực, bệnh nhân có thể bị chứng đau thần kinh liên sườn. Các đĩa đệm ở vùng cổ và vùng thắt lưng hay bị thoát vị nhất.
Khi khối thoát vị lồi ra sẽ kéo theo màng xương cạnh nó. Lâu ngày xương sẽ mọc ra theo tạo thành những vành xương. Trên phim X-quang người ta nhìn thấy nó như những cái gai nhọn nên gọi là “gai” cột sống.
Thông thường khi khối thoát vị đĩa đệm gây đau hoặc tê, yếu, liệt, bệnh nhân mới đến bệnh viện khám. Trong trường hợp này các bác sĩ giải quyết khối thoát vị đó trước khi cái “gai” hình thành. Các khối thoát vị không gây ra triệu chứng gì (thường thì do chúng không gây chèn ép vào thần kinh) mới có đủ thời gian để tạo ra những cái “gai”. Vì vậy người bệnh không nên hoảng sợ khi biết mình có gai cột sống. thực tế chỉ có rất ít những cái gai cần phải “nhổ” bỏ. Ngoài ra cần lưu ý: Mấu gai là tên gọi một bộ phận của cột sống, không liên quan gì đến cái gai cột sống.
Bệnh nhân thường thắc mắc với bác sĩ “Tại sao các nhân nhầy lại có thể thoát ra ngoài bao xơ thành khối thoát vị được?”. Đấy là do quá trình thoái hóa gây ra. Khi con người mới biết đi, cái đĩa đệm đã bắt đầu thoái hóa, càng lớn tuổi quá trình thoái hóa diễn ra càng nhanh. Nhiều cơ quan trong cơ thể cũng bị thoái hóa như vậy.
Thoái hóa là nguyên nhân hàng đầu gây ra các thoát vị đĩa đệm. Các yếu tố khác như viêm khớp, làm nặng, chấn thương…cũng là những yếu tố làm cho cái bao xơ yếu đi và nứt nẻ. Ngoài ra, thoái hóa còn có thể làm cho các bộ phận khác của cột sống trở nên sần sùi, phình to và chèn vào các rễ thần kinh tương tự như cơ chế của các khối thoát vị của đĩa đệm. Nếu các bộ phận bị thoái hóa đó chèn ép vào các bộ phận khác của cột sống cũng gây ra đau lưng hoặc đau cổ.
Tóm lại, thoái hóa cột sống là yếu tố chính gây ra thoát vị đĩa đệm, từ đó sinh ra “gai” cột sống, đau thần kinh tọa. Thoái hóa cột sống còn có thể gây ra đau lưng, cổ hoặc đau thần kinh tọa mà không cần phải có thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, tình trạng này còn là nguyên nhân của một số bệnh khác nữa, tất cả được gọi chung là bệnh lý thoái hóa của cột sống.
Thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng là nguyên nhân chính gây ra đau thần kinh tọa. Còn nếu thoát vị đĩa đệm ở cổ thì bạn thường được chẩn đoán “hội chứng cổ – vai – tay” hoặc tên gọi tương tự. Nhìn chung, mỗi tên bệnh đều có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng những tên gọi này còn chưa thống nhất dễ làm cho bệnh nhân bối rối.
Để phòng và ngừa bệnh tái phát, mọi người cần thường xuyên vận động, duy trì tập luyện thể thao đều đặn, đặc biệt là môn bơi lội, sống trong một môi trường trong sạch, sử dụng thực phẩm, thuốc đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn. Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, tránh ngồi lâu một chỗ, đừng để cho mình trở thành béo phì sẽ giúp cho cái cột sống của bạn khỏe hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn
Nguồn: Vnexpress